Độc đáo trái cây rừng Nông Sơn

Mảnh đất Nông Sơn, nơi những cánh rừng già vẫn còn ngát màu xanh trên những đỉnh núi kì vĩ. Đấy là vùng đất còn lưu giữ những sản vật đặc hữu của núi rừng mà những thế hệ đi trước ai cũng nằm lòng những loại quả với mùa nào thức nấy tạo nên những sự thích thú cho những người đi rừng, đi rẫy. Đó là những quả đè ne, vú bò, chôm chôm hay những quả chỉ nghe thôi đã thòm thèm như vàng nhợ, dâu đất, dâu sặc, chòi mòi. Đến những loại quả mọc ở những vùng đồi thấp như sim, móc, dủ dẻ cũng ngon ngọt không kém. Tất cả những loại quả ấy đều mang cái hương ngon ngọt của rừng và đem lại biết bao miền kí ức trong những người đã từng thưởng thức nó.

Ngày nay, có nhiều loại quả đã trở nên khan hiếm, đến độ chỉ còn nhắc nhớ bằng tên gọi chứ hiếm khi thấy được chúng nữa như đè ne, vú bò. Nhưng vẫn còn đó nhiều loại quả rừng đến mùa vẫn còn ươm quả chín lúc lỉu như một món quà tạo hóa ban tặng.

Chôm chôm rừng

Chôm chôm rừng là loại cây dây leo, chúng bám lên những thân gỗ lớn cứ thế vươn lên tít tắp. Quả chôm chôm rừng vì thế để hái được cũng lắm gian nan. Chôm chôm rừng chín từng buồng quả tròn xoe hàng mấy chục trái, màu cam đỏ nổi bật giữa tán lá xanh ngọc. Quả chôm chôm rừng ngọt lịm lại mang mùi thơm đặc trưng cuốn hút nên một khi đã thử thì sẽ nhớ mãi hương vị của nó mang lại.

Trâm rừng

Những cây trâm thẳng tắp, tán lá xanh mơn mởn lại cho ra loại quả chín mọng đen tuyền quyến rũ. Từng chùm quả mọng chín có vị ngọt nhẹ, phảng phất vị chua nhưng quyện lại thì chua ngọt độc đáo. Trái trâm bầu thưở chăn trâu hái đầy vào vành nón lá, cứ thế vừa ngồi vắt vẻo lưng trâu vừa nhón từng quả một mà niềm vui khó tả. Vì thế lũ trẻ xưa cũ mới háo hức chăn trâu để hái quả giành nhau mà rôm rả cả góc rừng.

Móc

Quả móc thì nhỏ hơn quả trâm, nhưng hình dáng quả thì tương tự. Móc là loại cây thân bụi mọc ở các triền đồi thấp. Trước đây lẫn vào trong nương tranh, cứ lên đồi cắt tranh lợp nhà là tiện tay vốc vài nắm móc ăn cho đỡ khát nước. Móc có hai loại móc tím và móc nếp, móc tím chan chát, còn móc nếp ngọt dịu ăn vào rất thú vị.

Chòi mòi

Chòi mòi là loại trái gây thương nớ nhiều nhất bởi cái vị chua đặc trưng của nó. Tút từng nhánh chòi mòi với từng chùm quả chín đỏ lẫn cả mớ trái xanh chua đậm li ti trái. Cứ thế mà trộn với muối ớt cay xè từng đứa thi nhau vốc từng vốc vừa chua vừa chát vừa cay mà cứ thi với nhau ăn lấy ăn để. Để rồi cả bọn thi nhau xuống suối uống nước đến no căng cả bụng để thõa cái cơn cay xè.

Vàng nhợ

Mùa vàng nhợ cũng háo hức không kém. Cây vàng nhợ mọc ở núi cao nên phải chờ mấy chú, mấy bác đi rừng để hái mang về. Thế là cả góc xóm rộn rã hẳn lên khi thưởng thức quả rừng ngòn ngọt chua chua ấy. Bổ ngang quả lớp thịt vàng chanh xuất hiện, cứ thế vừa cắn vừa nhăn mặt nếu trúng quả chua và cười tươi rộn rã khi ăn phải quả ngọt nồng.

Mít nài

Có lẽ sau quá trình ươm ủ nhựa sống của mùa đông, để xuân về đơm hoa kết trái. Đến khi hè về cây trái của non ngàn đã ươm đủ tinh hoa để ngạt ngào quả chín.

Và trong các sản vật đặc hữu mà non ngàn ban tặng không thể nào lãng quên được hương vị béo bùi nồng đượm của hạt mít nài rang trên mẻ than đỏ lửa.

Mít nài là loài cây thân gỗ lớn, gọi là mít nài vì vỏ quả có gai và từng múi bên trong cùng hạt thì giống của quả mít, nhưng bé hơn hẳn.

Độ tháng 6 âm lịch, khi các tầng ong vò vẽ đã ắp đầy nhộng con, mùa sim bắt đầu bói chín thì ở một góc rừng mít nài cũng đã chín vắt vỉu trên cành. Mít nài cơ man trái, lủng lẳng khắp cành cây, quả nhỏ cỡ nắm tay người lớn. Mít nài ăn được thịt quả, với vị ngọt đậm và mùi hương thơm nồng, nhưng ăn nhiều dễ bị say nên bà con đi rừng chỉ lựa chọn bóc lấy hạt mang về.

Hạt mít nài mang về phải đem rửa sạch cho trôi đi lốp thịt quả còn bám bên ngoài. Đem phơi cho khô lớp vỏ lụa rồi mới đem rang được.

Hạt mít nài đem rang thật sự trở thành một đặc sản, nó dân dã nhưng hương vị thì đặc biệt đến khó tả. Mùi hạt mít nài rang trên than hồng tỏa ra hương thơm dịu gọi mời. Rang đến khi vỏ ngoài giòn tan là bên trong đã chín. Mỗi lượng lửa cho ra mẻ hạt mít nài khác nhau và với những hương vị cũng rất riêng biệt. Lửa hồng vừa chín tới thì hạt mít nài xanh cốm ăn dẻo bùi, vị beo béo quyến luyến nơi đầu lưỡi. Hạt bé tí tẹo cỡ đầu ngón tay ít nên bao nhiêu hạt cũng cứ thòm thèm.

Hạt mít nài nướng lửa lớn hơn thì cháy cạnh, hạt ngả màu cánh gián, giòn rộm, càng ăn càng thích.

Hạt mít nài dân dã đầy bình dị, là sản vật của non ngàn ban tặng, mỗi năm chỉ có một mùa tầm độ vài tháng và ngày nay những thân mít nài cũng ngày càng thưa vắng trên những cánh rừng nên nó đã không còn rộ nở như trước đây. Nhưng mỗi khi được thưởng thức món hạt rang (hoặc nướng) dung dị này ta lại được cảm nhận cái hương vị bùi béo đến lạ. Không phải cái béo ngậy của đậu phộng rang mà là beo béo phả cái bùi bùi lại mang hương thơm dịu nhẹ. Càng ăn càng thấy cái quyến rũ của sản vật non ngàn.

Dâu đất

Dâu đất là loại quả rừng dộc đáo không kém. Loài cây đỏng đảnh này phải mất hai năm mới được thưởng thức quà một lần. Bởi lẽ chúng chẳng chịu ra năm một bao giờ. Loại này có hai loại: loại đỏ và xanh. Đi rừng dọc theo biên suối bắt gặp những cây đầy ắp quả. Từng chùm quả chín mọng từ gốc lên ngọn ra cả những thân cành. Cứ thế vừa ăn, vừa hái từng chùm mang về. Quả dâu đất từng múi mọng căng, thú nhất là vo cho nó mềm thịt ra rồi bóp vào trong miệng. Từng giọt chua ngọt kích thích vị giác vô cùng.

Dâu sặc

Dâu sặc hay còn gọi là dâu búng cũng là loại quả nay đã vào độ khan hiếm. Quả dâu chín vàng từng chùm quả nho nhỏ cỡ đầu chiếc đũa ăn. Lấy tay búng từng vỏ quả lộ ra lớp thịt quả vàng cam. Quả nhỏ nên ăn từng quả sẽ không thể thõa cơn thòm thèm. Vò thế bao giờ cũng búng từng chùm vỏ để lộ cả nhành thịt quả vàng cam căng mọng mà tuốt cả chùm ngọt ngây vào miệng nhai nhoàm nhoàm mới thú.

Trái kè thân thương đến nỗi từ lúc ra hoa bọn trẻ con đã nô nức mong đợi. Chỉ cần cây đậu quả là đã bắt đầu si mê thứ quả của loài cây đầy gai góc này. Quả kè non, hạt mềm dẻo mang vị ngọt, béo dịu mà lôi cuốn. Bởi trái kè bé xíu ăn một chút nhân beo béo ít ỏi cứ làm cho cái thòm thèm còn mãi.

Lớn hơn một chút quả kè với lớp vỏ đã ngả màu xanh cốm, hạt đã cưng cứng thì mang vị bùi bùi đến lạ. Bỏ đi lớp vỏ ngoài chan chát lớp hạt kè nhai nghe sần sật lại bùi bùi, nuốt vào nghe hậu ngọt dịu nơi cuống họng vô cùng thích thú.

Nhưng có lẽ điều mong mỏi nhất ấy là độ kè chín. Và cũng thật tuyệt vời làm sao bao giờ nó cũng trúng vào dịp hè. Khi đã tạm gác lại sách vở, len lỏi theo đám bạn đi giữ trâu ở những chân ruộng đã ráo hoảnh nước còn mớ xanh khôn len lỏi.

Thả cho đàn trâu thong dong gặm cỏ, cả bọn kéo nhau lên đồi nơi những cây kè thấp thoáng màu đỏ chín mọng gọi mời. Lật ngược chiếc nón lá lại cứ thế mà tuốt những trái kè chín mọng. Có bạn còn vít cả nhành kè mà chặt vác trên vai. Cả bọn cho từng vốc vào miệng, quả kè chín ngọt thơm bùi.

Còn có một cách ăn kè độc đáo hơn đấy chính là trộn kè chín vào chén muối ớt, cứ thế xúc từng muỗng một, vừa ngọt, vừa mặn phả cái cay xè thật thích thú.

Lũ trẻ tinh nghịch còn phun hạt kè làm đạn miệng, cứ thế rượt nhau bắn đạn kè rôm rả cả triền đồi bát ngát nắng hè vàng ươm.

Trái kè, trái của tuổi thơ khi cái vị bùi béo lúc còn xanh rờn đến ngọt thanh lúc chín đỏ. Tất cả tạo nên những dư vị thật đặc biệt, để kí ức tuổi thơ bất chợt ùa về khi thấy nhành kè đỏ ối phía triền đồi. Để mỗi màu hè sang nhìn nhành kè bắt đầu ngả màu từ vàng sang đỏ thì lòng lại rạo rực nhớ về khoảng trời xa xưa nơi chăn trâu bắn đạn kè, cả bọn cả trưa hè rúc tìm những những tán cây những cây kè chín đỏ.

Cùng với đó là những quả dủ dẻ, quả găng rừng và nhiều loại cây trái khác. Chính những đặc hữu thiên nhiên ban tặng ấy cho chúng ta cảm giác nôn nao khi bất chợt nhìn thấy quả chín năm nào. Mỗi mùa trong năm lại gợi nhớ mỗi thức quả khác nhau. Để khi đã một lần thưởng thức các loại quả rừng này khiến ta nhớ mãi khôn nguôi…

Tin liên quan