Rời bỏ chốn thị thành tấp nập, xu hướng tìm về với thiên nhiên đang được nhiều người ưa chuộng. Ở đó, không chỉ hít thở không khí trong lành, khám phá điều thú vị xung quanh mà còn thưởng thức món ngon đậm chất hoang sơ - bắp (hoa) chuối rừng nấu canh ốc đá.
Chuối rừng là loài thực vật hoang dã mọc khắp vùng trung du, trổ hoa bốn mùa, dễ dàng tìm kiếm làm vị thuốc hay chế biến thức ăn. Ở núi, nguồn nguyên liệu phong phú như cua, cá trèn, ếch, rau tàu bay, rau tầm phục, rau dớn nên chỉ cần mang theo gạo, gia vị là đã có bữa ăn đủ đầy. Thật không ngoa khi nói rằng, ăn ở rừng mọi thứ đều ngon đến khó cưỡng. Thời khốn khó, hầu hết nhà nào cũng sống dựa vào núi, no đói nhờ rừng. Vào mùa vụ gieo hạt, nhà tôi ở rừng qua đêm vừa tiết kiệm thời gian đi lại vừa tăng năng suất lao động. Đến giờ nghỉ, ba tôi cầm rựa dạo một vòng là sở hữu ngay mấy hoa chuối mập tròn, tươi roi rói, ứa nhựa. Hoa chuối màu đỏ thẫm xen lẫn dưới vòm lá xanh trông thật điệu đà. Gần đó là con suối nước chảy róc rách, uốn lượn hiền hoà, hai bên bờ cỏ cây tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm tuyệt đẹp. Má tôi chỉ cần thò tay mò nơi ghềnh đá, dưới đụn cát là tóm được những con ốc cuộn tròn bằng đầu ngón tay, màu đen, vàng lấp lánh. Còn tôi thì tha hồ đánh chén quả ngon của đất trời.

Ốc đá thịt mềm, giòn, có vị béo chế biến nhiều món ngon như: nấu cháo, xào, luộc. Nhưng khoái khẩu nhất là nấu canh với bắp chuối rừng. Ốc làm sạch, chặt đuôi, luộc chín đổ ra rổ cho ráo nước. Bắp chuối xắt sợi nhỏ, ngâm với muối và nước cốt chanh, rửa nhiều lần, trụng qua nước sôi để chuối không bị thâm đen. Bắc chảo dầu phụng lên bếp, phi nén thơm lừng, đổ ốc vào xào, chụm lửa nhỏ, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi thêm nước đun sôi, sau đó cho hoa chuối vào tầm 2 phút, nhấc ra khỏi bếp, rắc thêm nắm lá rau xâng đã được thái nhỏ lên trên cho tròn vị. Má nói, khi chế biến món này mà thiếu mắm cái, ớt xiêm, nghệ tươi sẽ trở nên nhạt vị, kém phần hấp dẫn. Ốc đá và hoa chuối là thực phẩm “lành” như vốn nó sinh ra rồi lớn lên, mặc bão giông, nắng gió. Không chuộng hình thức phô trương, cầu kỳ, cư dân bản địa thường kết hợp hài hoà cả hai nấu canh giải nhiệt thì không gì sánh bằng bởi hương thơm gây nghiện, ăn đến đâu thấm tháp đến đó, cảm giác như thăng hoa. Quay quần bên mâm cơm đạm bạc giữa không gian khoáng đạt, nghe tiếng chim muông, lá rụng trên đồi, bữa ăn dường như chậm lại để tận hưởng sản vật tinh tuý, xua tan bao mệt nhọc.

Quá nửa đời người trôi qua, bàn chân anh tôi dong ruổi vạn dặm, ăn nhiều món thịnh soạn nhưng vẫn đau đáu ẩm thực xứ Quảng, nhất là sản vật đậm hồn quê kiểng. Thương con, mỗi bận gửi hàng hoá vào đất phương Nam, bên cạnh gạo, đường tán, dầu phụng, củ gừng, má tôi cẩn thận xếp vào thùng xốp mớ ốc, hoa chuối, rau thơm đi kèm. Phải rồi, khi nhận món quà này, lòng dịu vơi nỗi nhớ quê hương da diết.
MỘC MIÊN