Sau vụ mùa tháng tám, khi mùa gặt đã đi qua, những cơn mưa rào trút nước thì từ những gốc rạ trơ hơ trên nền ruộng khô cằn nhú những mầm xanh – người dân quê tôi gọi nó là lúa xanh khôn.
Lúa xanh khôn chỉ có ở vụ mùa tháng tám khi chờ những cơn lụt đi qua để bắt đầu vụ Đông – Xuân trở lại. Chứ vụ mùa tháng ba sau mùa gặt, người ta hối hả cày ải để bắt đầu vụ mới nên chẳng có mùa lúa xanh khôn bao giờ. Những mầm xanh khôn với sức sống mãnh liệt, chỉ một cơn mưa rào đã khiến những gốc rạ khô khốc ươm mẩy những mầm xanh biếc. Mới từ cánh đồng trống trơn, với màu nâu sẫm của những gốc rạ đã bắt đầu xanh mơn mởn. Do sinh trưởng từ những gốc rạ đã ươm mình tròn trèm bốn tháng trời hút những dưỡng chất từ đất mẹ mà chỉ độ một tháng là lúa xanh khôn đã ươm đòng đòng. Từ trong bụng sữa, những bông lúa non non, nho nhỏ với mầu trăng trắng lại phơi mình uống những giọt sương, giọt nắng.

Cây lúa vụ tháng tám thật kiên cường, đã ươm mình cho mùa vàng nặng hạt cho hạt thóc cõng nỗi lo mùa mưa lũ. Nay lại tiếp tục oằn mình nuôi lớn những bông xanh khôn nữa thật diệu kì, như một lần nữa tái sinh mà hiến dâng trọn vẹn cho đời. So với cây lúa vụ mùa chính được chăm bón phân thuốc, làm cỏ, tháo nước định kì, lại được thường xuyên thăm nom nên cây sức sống mạnh mẽ, ươm lúa chắc bông. Thì mùa lúa xanh khôn những gốc rạ đã già cỗi, lại oằn mình tranh nhựa sống với những cỏ dại, những cây chóc sinh sôi mạnh mẽ, lại không được bón phân chỉ ươm hút chất nhựa sống từ lớp bùn và tắm táp những hạt mưa trời. Cũng vì thế mà mùa lúa xanh khôn bông cũng nhỏ hơn và chẳng vướng mùi thuốc bảo vệ thực vật.
Sau một tháng khi trổ, độ tháng mười, tháng mười một âm lịch lúa xanh khôn chín vàng bông cho một mùa ngọc trời tiếp nối. Trước đây hạt thóc làm ra còn khó khổ, bữa cơm đói lòng cõng cả củ sắn tươi thì mùa xanh khôn bà con hối hả ra đồng để cắt mót từng bông đem về đạp ra lấy lúa. Vì chỉ hút được ít chất dinh dưỡng còn sót lại của vụ mùa tháng tám nên hạt lúa xanh khôn cũng “đói” hơn, nhiều hạt lép hơn. Nhưng nó cũng cứu đói cho những ngày mưa gió, mót cả đám ruộng chỉ độ một bao lúa bông về được dăm bảy cân thóc lúa nhưng cũng ánh lên niềm hân hoan trong đôi mắt trũng sâu vì cái đói lạnh xưa cũ.
Ngày nay cũng hiếm những cảnh đi cắt gặt lúa xanh khôn mà những bông lúa chín vàng cho bầy chim trời sà xuống thi nhau lượm lặt và cả cho bầy vịt thả rong ruổi trên những cánh đồng cũng được tận hưởng những bữa no căng.
Những hạt lúa lem lép nhưng bữa cơm nấu từ gạo xanh khôn lại thảo thơm quá đỗi, nó giúp cho ngày mưa gió xưa cũ thêm ấm đượm. Những ngày này mùa lúa xanh khôn lại bắt đầu chín vàng tô điểm cho cánh đồng thêm một màu sắc mới. Trong sắc mây ngai ngái xám mùa đông những hạt lúa vàng ươm sắc còn khiến niềm tin vào vụ mùa tiếp theo thêm no đủ, để những vụ mùa xanh khôn lại tiếp tục mẩy những hạt thóc vàng…