Hiệu ứng tích cực từ chương trình dịch vụ công trực tuyến qua kho bạc nhà nước

Thời gian qua, hệ thống KBNN (KBNN) luôn chú trọng, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó: việc triển khai thành công, hiệu quả thiết thực chương trình dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một bước tiến rất quan trọng. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của hệ thống KBNN nhằm thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm áp lực về thời gian, giải quyết công việc nhanh, thuận lợi và khoa học hơn. Qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, rút gọn các bước thủ tục hành chính cần thiết theo quy định. Để hoàn thành sớm mục tiêu của KBNN đến năm 2030 là xây dựng thành công kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”.

(Giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Nông Sơn)

Cùng với sự ổn định và phát triển chung của toàn hệ thống KBNN, với phương châm: “Sự hài lòng của khách hàng, an toàn trong thực thi công vụ làm thước đo hiệu quả công việc”, các chương trình hiện đại hóa thu NSNN, kiểm soát chi NSNN tại KBNN Nông Sơn - Quảng Nam ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đặc biệt, công tác phối hợp với các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách được nâng cao, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và người dân. Góp phần hoàn thành mục tiêu chung là đến cuối năm 2025: không còn giao dịch chi bằng tiền mặt, tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN. 

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN, cán bộ giao dịch có thời gian tập trung giải quyết công việc. Các thao tác nghiệp vụ được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhanh hơn, thuận tiện hơn so với thao tác bằng chứng từ giấy. Quan trọng nhất là hệ thống này giúp hạn chế sai sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách khi yêu cầu nhập thông tin chính xác.

Với quyết tâm chung của hệ thống KBNN, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, tất cả vì khách hàng và an toàn trong thực thi công vụ, thời gian đầu dù quá trình triển khai thực hiện hết sức khó khăn, nhưng với sự chia sẽ, đồng thuận vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn hệ thống Kho bạc. Đến nay hiệu quả về sử dụng DVCTT tại KBNN đã và đang cho thấy hiệu quả đáng kể, góp phần không nhỏ vào công cuộc cải cách hành chính được đảng và nhà nước hết sức quan tâm.

Trong thời gian tới, KBNN Nông Sơn – Quảng Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiệp vụ trên địa bàn. Tiếp tục có những đề xuất lên KBNN để tiếp tục nâng cấp, cải tiến chương trình, tối ưu hóa các ứng dụng nhằm khắc phục một số khó khăn, hạn chế phát sinh trong quá trình vận hành thực tế tại đơn vị. Với những kết quả này, hệ thống KBNN đang dần hiện thực hóa được mục tiêu vì một nền hành chính phục vụ, tất cả vì khách hàng, hướng tới xây dựng Kho bạc số trong tương lai.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả trong cung ứng DVCTT, cần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC được thực hiện thực chất. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, bảo đảm tính nghiêm túc, hiệu quả trong công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch. Thực hiện chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 thành công cần phải sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy với mục tiêu hình thành mô hình kho bạc tinh gọn hơn vào những năm đến. Tuy nhiên, hoạt động của KBNN vừa mang tính chất quản lý nhà nước, vừa mang tính chất phục vụ đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và người dân (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện giao thông khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển); đồng thời, vừa phải theo lộ trình từng bước phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách, việc phân cấp quản lý nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những yêu cầu mang tính khách quan không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước mà còn góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Do vậy, ngoài các giải pháp nói trên, để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cần sự chỉ đạo quyết liệt của KBNN cấp trên và sự chấp hành nghiêm túc của KBNN các cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo mục tiêu đã đặt ra tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ./.

                                                                     

Tin liên quan