Chủ động phòng, chống, hạn chế số mắc bệnh đau mắt đỏ trong thời gian tới trên địa bàn huyện

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc mắt) là bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; dịch tiết từ mắt, mũi, miệng của người bệnh qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa đặc biệt cuối Hè sang Thu là khoảng thời gian bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh mẽ bởi đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Bệnh có nguy cơ gia tăng và lan rộng trong cộng đồng dễ gây thành dịch, do đó người dân cần cảnh giác với bệnh và điều trị đúng, không để biến chứng nặng, gây nguy hiểm.

Theo thông tin từ ngành Y tế các địa phương, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh đặc biệt tại một số tỉnh thành có mật độ dân số đông như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng...; tại tỉnh Quảng Nam bệnh đau mắt đỏ cũng đã xuất hiện tại một số trường học.

Để chủ động phòng, chống, hạn chế số mắc bệnh đau mắt đỏ trong thời gian tới trên địa bàn huyện, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, Hội, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp để phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus, chủng hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh vừa phân lập là Enterovirus) như sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

 Thực hiện theo dõi sức khỏe, khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh/nhân viên… có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… cần hạn chế tiếp xúc với người khác; Cần đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây lan cho người xung quanh và cộng đồng.

 Khi phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong trường học, cơ quan, xí nghiệp… cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế; thông báo ngay cho cơ sở y tế để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh.

 Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh; thường xuyên làm vệ sinh môi trường; đặc biệt là các công trình cấp nước, công trình vệ sinh. Trung tâm Y tế huyện cần chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế tích cực trong phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men để sẵn sàng khám và tiếp nhận điều trị những ca bệnh có đủ tiêu chuẩn nhập viện.

Tin liên quan