Nông Sơn – Đi qua những địa danh

Có những vùng đất chỉ cần nhắc nhớ đến tên gọi là cả một khoảng trời kí ức, cả những hằng số đặc trưng bỗng hiện ra mồn một trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Những địa danh ấy còn là cả hành trình chuyên chở mang theo dòng chảy lịch sử, được gìn giữ trân trọng mang theo trong những chuyến hành trình di dân và có thể là cách ôn nhớ quê hương xứ sở trong những vùng đất ở, đất đi. Với phương ngữ Nông Sơn (Quảng Nam) những địa danh cũng lưu dấu những nét đặc trưng đặc hữu cho vùng sơn cước nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Những địa danh cho tên núi, tên làng còn là những pho giá trị chứa đựng những tinh hoa mà con cháu bao đời lưu giữ.

Những núi non lưu dấu trầm tích cha ông

Hòn Tàu – Hòn Kẽm – Hòn Vung

Ba hòn xúm lại đỡ vùng Quảng Nam

Chỉ trong câu ca dao ngắn gọn ấy đã gói trọn cả những đỉnh non thiêng đối với người dân Nông Sơn. Hòn Tàu – Dãy núi cao sừng sững nằm ở phía Đông của huyện, với con đường độc đạo đi vào địa bàn huyện trong mấy thế kỉ mà nhắc đến cung đường Đèo Le có lẽ đã lưu dấu với tất cả người dân nơi đây và vang xa khắp miền Quảng Nam. Dãy Hòn Tàu còn là cắn cứ địa cách mạng trong các cuộc kháng chiến vệ quốc trường kì của dân tộc. Ngày nay Hòn Tàu với cánh rừng xanh bạt ngàn như lá phổi xanh – bức tường thành che chắn cho vùng phía Đông của huyện.

Cùng với Hòn Tàu thì Hòn Kẽm cũng là địa danh đã vô cùng thân thuộc mà có lẽ từ ầu ơ ví dặm trên vành nôi ta đã được nghe vang vọng:

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi…

Núi Hòn Kẽm nằm ở thượng nguồn Sông Thu trên địa phận xã Quế Lâm của huyện Nông Sơn. Hòn Kẽm gắn liền với những giai thoại về cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu trong phong trào Cần vương chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Không những thế với địa thế đặc biệt soi mình xuống dòng Thu giang Hòn Kẽm Đá Dừng mang vẻ đẹp uy nghi mà hữu tình là điểm đến du lịch nức tiếng của Nông Sơn và của cả Quảng Nam.

Hòn Kẽm Đá Dừng - Địa điểm du lịch Quảng Nam đẹp mê hồn
Hòn Kẽm Đá Dừng

Hòn Vung chính là đỉnh Núi Chúa – Hòn Vung đỉnh núi cao nhất nhì vùng đất Nông Sơn. Nằm sừng sững uy nghiêm với một mặt hướng vào vùng thung lũng Nông Sơn, một mặt hướng về thánh địa Mỹ Sơn của huyện Duy Xuyên. Nơi đây cũng là một trong những nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Núi Chúa – Hòn Vung trong tâm thức của người dân nơi đây còn là vùng đất thiêng với những câu chuyện nhuốm màu thần thoại. Ngày nay khi đến với Nông Sơn du khách thập phương hay hướng về phía chân Núi Chúa nơi có Đập Làng để lưu giữ những tấm hình đẹp khi núi in hình xuống mặt nước càng thể hiện vẻ tráng lệ của ngọn núi thiêng hùng vĩ.

Cùng với đó là nhiều lắm những núi non từ đỉnh Cà Tang, núi Vú, Trụ Rơm qua các Bằng Trĩ, Bằng Da, Bằng Thùng… và cơ man những ngọn núi, những rặng đồi được lưu lại những tên gọi từ thời ông cha và như những sản vật đặc hữu mà chỉ cần nhắc nhớ đến tên thôi là cơ man những bạt ngàn đồi núi hiện ra và oai vĩ cả một vùng Nông Sơn.

Những tên đồng, tên bãi gắn liền với quá trình mở cõi, dựng làng

Quá trình mở cõi, dựng làng mang theo những đặc trưng làng xã. Đồng bãi còn là nơi canh tác, sản xuất để nuôi sống người dân nơi đây. Vì thế những đồng ruộng, bãi dâu, nà đậu gắn với những tên người khai hoang mở cõi, gắn với những đình làng một thưở xa xưa. Những cánh đồng từ Nước Nóng, Đồng Đình, Cánh Bườm, Khe Canh, Đồng Miếu… gắn liền với những di chỉ xưa kia và những đặc trưng của cảnh sắc. Đồng Đình với Đình làng Phước bình xưa, Nước nóng với hồ nước nóng chảy ra tưới tắm cho những cánh đồng. Đến những cánh đồng lưu danh những bậc tiền hiền đi khai khẩn như Rộc Ông Sáu Tý, đồng Ông Giò… trải qua hàng trăm năm vẫn giữ nguyên tên gọi như một sự tri ân cho những người khai hoang mở cõi.

Những cánh đồng, triền bãi ấy đến ngày nay vẫn xanh ngát màu xanh – màu của sự sống. Vẫn cùng người dân nơi đây đêm ngày cho ra những trái ngọt hoa thơm và góp mình vào sự phát triển, đổi thay của mảnh đất Nông Sơn. Những người con xa quê mỗi khi nhớ về chốn cũ làng xưa vẫn in nhớ rõ những nơi đồng bãi gắn với những kỉ niệm chăn trâu, cắt cỏ, nhớ như in những buổi cắt lúa, đạp đường mía hay những bận mót ngô, mót sắn của những năm tháng đói khổ… Chính điều ấy là mạch nguồn nuôi dưỡng tận sâu thẳm hồn người. Để khi nhớ quê lại ầu ở những bài dân ca nỗi nhớ về Đồng Võ, Khe Canh…

Những địa danh “chiêm trũng” đặc trưng

Bàu Đĩa, Bàu Sen, Đập Ông Đà, Đập Hóc Hạ, Đập Hóc Khiết, Đập Nà Bò, Đập Làng đến Nước Nóng, Ục Giao… gợi nhớ ngay đến những vùng nước trên vùng Nông Sơn. Với những địa danh đã trở nên thân thuộc như sự nhắc nhớ mà nghe đến tên địa danh ấy ta sẽ hình dung cả một vùng địa lý đặc trưng. Như Bàu Đĩa, một bàu nước tù nằm sát cung đường DT611, trên hành trình di chuyển trước đây Bàu Đĩa như một cột mốc để người ta ước lượng cung đường giao thương từ cánh Quế Lộc, Sơn Viên về với Trung Phước.

Bàu Đĩa

Gắn liền với Nông Sơn qua suốt bao lâu nay những địa danh chiêm trũng ấy dẫu đổi thay của tạo hóa, có những vùng đã hóa bãi bồi, có nơi đã đắp đất xây nhà thì vẫn lưu danh những chiêm trũng lâu đời. Đó cũng là cách để gợi nhớ một vùng địa lý xa xưa và cả hôm nay. Nơi dẫu bãi bồi che lấp thì một thời vẫn nước đọng cá tôm, đó như là sự thủy chung của người dân Nông Sơn dẫu trăm năm vẫn nhớ về nơi xưa chốn cũ.

Các địa danh gắn với hành trình di chuyển lên nguồn xuống xuôi

Xưa kia Nông Sơn không nhiều cung đường, ngã đi như bây giờ. Mà hành trình di chuyển nhiều nhất là trên cung đường DT 611 từ ngã Đèo Le qua Quế Lộc, Trung Phước lên Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm. Trên cung đường ấy là những chiếc cầu nối những cung đường và cũng là những dấu mốc chỉ đường, những nơi tính chiều dài thiên lý. Để người đi đường ước lượng khoảng cách mình đi và từ bao giờ đã trở thành những cột mốc chỉ giới đặc trưng nơi đây. Từ Khe Giao, Cầu Máy Nước, Cầu Mu Rùa, Cầu Cao, Cầu Bà Chức, Cầu Khe Rinh, Cầu Dài, Dốc Nguyệt, Khe Le, Phường Rạnh… Có những cái tên giờ đã hóa xa xăm mà chẳng ai lý giải nổi vì sao gọi nên như thế. Nhưng chính việc lưu dấu tích đó đã giúp những chỉ dẫn di chuyển của ngàn xưa được lưu giữ mồn một. Dẫu địa hình có đổi thay, những con đường có xê xích thì những tên cầu, tên dốc vẫn còn đó để hình dung về những khó khăn một thời của những cung đường cách trở để những “lên nguồn”, “dưới xuôi” nghe sao mà nhắc nhớ những lao khó cha ông mà gìn giữ để cố gắng hơn nữa cho hôm nay.

Đặc hữu những tên làng, tên xóm

Trải qua hàng trăm năm trên vùng đất Nông Sơn những tên làng vẫn tồn tại mãi dù có những sự biến chuyển của thời gian đến những đổi thay về hành chính thì dẫu các xã có đổi tên thì những tên làng vẫn tồn tại và mang dấu ấn rất riêng. Từ Dùi Chiêng, Xuân Hoà, Thạch Bích, Cấm La, Tứ Nhũ, Đông An, Phú Gia, Mậu Long, Ninh Khánh, Khánh Bình, Trung Phước, Đại Bình, Khương Quế đến Xóm Vú, xóm Gò, xóm Khe vẫn tồn tại riêng biệt như bất biến giữa dòng chảy thời gian.

Những tên làng, tên xóm đi theo mãi những người dân quê ở đó. Mấy mươi năm xa quê, có người rời xa Tổ quốc đến những chân trời xa xứ lạ nhắc tên xã, tên huyện với những sự đổi thay trong cách gọi khiến họ không hình dung được quê cha đất tổ. Nhưng chỉ đơn giản khi gọi đến tên làng thì họ nhận ra ngay nơi chôn nhau cắt rốn. Có lẽ xuất phát từ những gì thân thuộc và gần gũi nhất sẽ khiến người ta nhớ lâu nhất. Vì thế qua hàng trăm năm những tên làng vẫn giữ nguyên dẫu trên bản đồ hành chính chẳng thể hiện nhưng trong bản đồ tâm thức luôn in rõ trong mỗi người.

Những xóm Vú, Cấm La, Tứ Nhũ, xóm Khe, xóm Đồng truyền khẩu theo bước chân người. Có những làng “online” ngày nay tồn tại ở những không gian mạng. Ở nơi đó những người con xa quê lập nên để nhắc nhớ và là nơi để sinh hoạt cùng nhau mà sẻ chia những niềm vui nỗi buồn, hay thông tin từ quê nhà đến họ. Sợi dây tình làng gắn kết dâu sắc đến những cư dân ở đấy. Để đi trăm sông, ngàn núi thì họ vẫn là con dân nơi ấy, dẫu đời cha xa cách thì đời con vẫn tìm về - như hành trình “lá rụng về cội” mà tên làng là nơi để rụng về.

Cùng với đó là hàng trăm địa danh khác nữa từ dòng suối, con khe đến khu đất, khu làng mà đâu đâu cũng chứa nặng cả trầm tích văn hoá lắng sâu trong dòng chảy của thời gian. Tất cả những địa danh ấy lưu dấu chỉ dẫn cho một điều rất riêng Nông Sơn. Mà một khi nhắc đến nó thì người ta nghĩ ngay đến Nông Sơn và ngược lại.

Địa danh không chỉ là tên gọi mà nó còn là tiềm thức nhắc nhớ đến mỗi người dân Nông Sơn. Đó còn là niềm tự hào của những người dân quê nhà khi một ai đó nói về nó và họ cũng sẽ giới thiệu bằng tất cả niềm tự hào.

Đi qua những địa danh là đi qua cả trầm sâu văn hóa và sâu lắng thời gian. Những đổi thay của cảnh vật biến chuyển từng ngày nhưng những gì lưu nhớ là những địa danh. Để dù bãi có bồi có lở, sông có cạn có đầy, đồng có mùa xanh, mùa gặt thì những địa danh nơi đây vẫn còn đó. Những địa danh làm giàu bản sắc văn hóa của Nông Sơn để mỗi khi đi qua một địa danh nào là trầm tích lắng sâu mà khi tìm hiểu ta sẽ yêu thêm Nông Sơn, yêu thêm mảnh đất quê hương mình. 

Tin liên quan