Những quy định liên quan đến tang lễ được đưa vào trong quy ước, hương ước của làng Đại Bình. Về thời gian, khi bất cứ nhà nào có tang thì quy định lúc 06 giờ sáng làm lễ di quan (động quan) và hạ huyệt vào lúc trước 07 giờ sáng. Đây là thời điểm rất thuận tiện để bà con, làng xóm có thể tham dự đông đủ; không ảnh hưởng đến sức khoẻ, sản xuất, sinh hoạt…Ngoại lệ, chỉ trừ trường hợp là đám tang đó mai táng ngay trong ngày hoặc bà con thân thích ở xa đưa tang về Làng Đại Bình. Việc quy định giờ giấc văn minh trong tang lễ này bắt nguồn từ rất sớm. Nhân dân trong làng vẫn nhắc lại vào năm năm 1998, khi việc sản xuất mía đường của dân làng đang vào thời kì thịnh vượng. Ở trong làng, ai ai cũng trồng mía và rất cần nhân công để thu hoạch mía. Nhưng có những đám tang, bà con đi đưa đám đến 9, 10 giờ sáng mới về. Để không hỏng cả mùa thu hoạch, tiết kiệm sức lao động và giúp đỡ Nhân dân trong làng, Ban Nhân dân thôn lúc bấy giờ, trưởng thôn là anh Nguyễn Văn Quý, Phó thôn là ông Nguyễn Tám mới đem câu chuyện này bàn với ông ông Nguyễn Hữu Lộc, nguyên là Thiếu tá, Huyện ủy viên, Huyện đội trưởng huyện Giằng (Nam Giang bây giờ) - là người giỏi chữ Nho, có uy tín và hay được dân làng nhờ xem giúp ngày lành, tháng tốt. Ông Lộc đồng ý và cứ ai xem ngày, giờ tang lễ lại ấn định giờ giấc (như hiện nay vẫn sử dụng) để không ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Qua rất nhiều đám tang, các gia đình có người mất được ông Lộc xem ngày, giờ vẫn yên ổn, làm ăn phát triển, con cháu hanh thông, học hành đỗ đạt, thành những người có ích cho xã hội. Từ đó, bà con mới bỏ nếp cũ cứ theo quy ước, hương ước mới của làng.

Năm 2015, ngoài việc quy định về thời gian, về tập tục, Ban Nhân dân thôn đã vận động bà con thay đổi thói quen theo hướng văn minh như: từ nhà đến huyệt không rải vàng mã; đến 22 giờ đêm thì không đánh chiêng trống cũng như bật âm thanh ảnh hưởng đến xóm giềng. Khi gia đình nào có tang, Ban Nhân dân thôn liền cắt cử người đến dựng rạp, cắm cờ, lo trực trống chiêng và giúp người nhà việc lễ. Thôn có Hội trợ tang gồm năm thành viên do Nhân dân của thôn bầu. Hội trợ tang tổ chức luôn luôn có hai đội Tổng mục ân công chuyên làm việc nghĩa, không thu tiền. Hai đội Tổng mục ân công thay phiên với nhau một cách hợp lí. Đáng mừng là không tổ chức ăn uống trong tang lễ. Khi có việc tang thì họ hàng, làng xóm vẫn đến giúp đỡ, chia buồn bình thường nhưng đến bữa thì ai về nhà đấy, gia chủ không phải làm cỗ vất vả, nhiêu khê. Bà con trong làng đến viếng, lo nước uống, lo dọn đường đưa linh cửu, đảm nhận việc đào huyệt và đưa người mất đến huyệt mộ rồi mới ra về.
Có thể thấy, trước những bấp cập, lãng phí, biến tướng tiêu cực trong việc tổ chức việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây, thì việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang tại làng Đại Bình là một điểm sáng, góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là nét đẹp văn hóa cần nhân rộng trên địa bàn của huyện.
Thiết nghĩ, từ câu chuyện này và thực tiễn của đợt dịch Covid-19 vừa qua, đám tang nên cần tổ chức nghiêm trang, tiết kiệm, loại bỏ dần các tập tục, tập quán lạc hậu; hạn chế việc tổ chức linh đình, ồn ào, không đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự công cộng. Nhà có tang nên tránh để dài ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân. Đưa tang thì không nên rải vàng mã, việc rải vàng mã chỉ gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến nhiều người. Nên gom và đốt tại huyệt mộ. Việc ăn uống trong đám tang cũng cần hạn chế. Có chăng gia chủ chỉ làm vài ba mâm cho người ruột thịt hoặc khách ở xa mà thôi. Việc tổ chức ăn uống (nếu có) thì được tổ chức vào dịp 49 hoặc 100 ngày. Làm bia mộ cho người đã khuất cũng vậy, mỗi làng nên xây dựng quy chế của nghĩa trang Nhân dân của mình. Trong đó, để tránh việc xây dựng bia mộ tốn kém, quy định chặt chẽ về kích thước của bia mộ, không được làm cao hơn 1,5 mét, chiều rộng 2 mét và chiều dài 3 mét. Ai mất trước ta táng trước, ai mất sau táng sau, tránh việc giành cả nghĩa trang chung làm nghĩa trang gia đình gây lãng phí đất đai.
Chúng ta đã có quy ước, hương ước về xây dựng thôn văn hóa, lại có phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, nên các địa phương, mặt trận và các đoàn thể cần lan tỏa, nhân rộng việc làm tốt đẹp này.