TÂN TỈNH - TRUNG LỘC: CĂN CỨ NGHĨA HỘI QUẢNG NAM XƯA

Sau sự tấn công của quân Pháp vào kinh thành năm 1885, ngày 5/7/1885 kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi rút lên Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị). Ngày 22 tháng 5, Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước phò vua đánh Pháp. Lời hịch Cần vương nhanh chóng lan ra cả nước, dấy lên một cao trào phò vua Hàm Nghi chống Pháp.

Quảng Nam, các sĩ phu yêu nước kêu gọi, tập hợp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng chiếu Cần Vương và thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Nghĩa hội do Tiến sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ cùng với Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành, Nguyễn Duy Hiệu, Đỗ Đăng Tuyển,... lập các căn cứ ở Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng để đánh Pháp. Sau khi Trần Văn Dư bị sát hại, Nguyễn Duy Hiệu được cử làm Hội chủ, tiếp tục lãnh đạo Nghĩa hội đánh Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu, Nghĩa hội Quảng Nam đã chọn Quế Sơn để xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài và chọn tổng Trung Lộc để đóng đại bản doanh, xây dựng nên một tỉnh mới với đầy đủ các thiết chế hành chính, quân sự, chính trị,...được gọi là “Tân Tỉnh” Quảng Nam.

Tân Tỉnh - Trung Lộc được xây dựng vào đầu năm 1886 đến khoảng tháng 5 năm 1886 thì cơ bản hoàn thành, đóng ở vùng Khe Canh, thuộc thôn Hiệp Trung, tổng Trung Lộc (nay là thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn). Khu đại bản doanh được xây dựng trên diện tích khoảng 40.000m², có vị trí địa lý thuận lợi cho cuộc kháng chiến: núi non hiểm trở, cây cối rậm rạp, hào sâu vực thẳm, giao thông thủy bộ đều dễ dàng. 

Theo tìm hiểu của ông Hồ Thanh Xuân – nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn thì năm 1885, ông Hường Hiệu (tức là ông Hường Lô, Nguyễn Duy Hiệu) chỉ huy đội quân đánh Pháp ở Mang Cá. Khi ông thất thủ ở Mang Cá thì tìm về miền núi của Quảng Nam, đi từ Tiên Phước đến vùng Trung Lộc và chọn địa điểm Khe Canh làm nơi đóng quân (tức đại bản doanh của ông Hường Hiệu). Nơi đây có thế lực quân sự rất đặc biệt, là mảnh đất có đồi cao, bên cạnh là hai con suối hai bên như hai gọng kiềm. Nguyễn Duy Hiệu đã cho đắp đập, ngăn nước của hai con khe để tạo nên hai hào nước sâu và rộng. Dọc theo hai hào nước tự nhiên này, nghĩa quân đã xây hai bức trường thành hình vòng cung, có đặt súng đại bác và pháo đài để bảo vệ căn cứ.

Theo thầy giáo Hà Văn Đa - Phó Phòng GD&ĐT huyện Nông Sơn thì đây là một thung lũng nằm ở phía tây bắc tỉnh Quảng Nam, địa thế rất hiểm trở, có những dãy núi cao bao bọc chung quanh giống như bức tường thành tự nhiên, rất thuận lợi cho việc phòng thủ. Đồng thời nơi đây có điều kiện giao thông rất thuận lợi, đường thủy có sông Thu Bồn đi đến những vùng như Kỳ Hà, Hội An, Đà Nẵng. Cũng có đường mòn đi đến các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và xa hơn nữa. Mặt khác nơi đây hội tụ nhiều lợi thế về tài nguyên, sản xuất nông nghiệp tạo nên nguồn lực vật chất cần thiết để chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài. Với vị trí này, Tân Tỉnh - Trung Lộc còn có thêm ý nghĩa như một khu căn cứ hậu cần.

Theo nghiên cứu từ những tài liệu còn để lại, toàn bộ khu căn cứ được bao bọc bởi những hàng rào bằng tre, đầu vót nhọn, đan chéo vào nhau như những bàn chông cắm xiên; chung quanh căn cứ được che chắn bởi những núi cao, hào sâu nên thuận lợi cho việc chống lại sự càn quét của quân Pháp. Tại đây, Nguyễn Duy Hiệu đã thiết lập bộ máy điều hành gồm có nha, thự, ty, niết, bãi luyện quân, ngục thất, kho tàng, văn miếu,.. như một cơ quan nhà nước quản lý một vùng lãnh thổ. Tân Tỉnh, Trung Lộc là căn cứ quân sự quan trọng nhất của Nghĩa hội Quảng Nam, là cơ quan hành chính, quân sự thu nhỏ của phong trào.

Theo ông Hồ Thanh Xuân “Tổng Trung Lộc xưa rất rộng, bao gồm cả huyện Nông Sơn bây giờ. Do đó, tiền tiêu đầu tiên của ông Nguyễn Duy Hiệu chính là Khe Le - nơi ông đã chặn đánh quân Pháp nhiều lần. Tiếp đến là tuyến phòng thủ số hai ở Khe Giao - tuyến phòng thủ quan trọng để giữ đại bản doanh. Thứ ba là tuyến phòng thủ ở cầu bến Ý, ông cho đắp đập dâng, chặn dòng suối để ngăn cản quân địch không tiến quân vào được căn cứ. Lợi thế thứ hai là lòng dân, lúc bấy giờ người dân tổng Trung Lộc sống trong phong kiến khổ cực, bị bọn thực dân phong kiến đàn áp, nô lệ nên khi nghe ông Hường Hiệu đánh Pháp đuổi giặc thì người dân đồng tình, đi theo hết”.