Tân Tỉnh Trung Lộc – Căn cứ nghĩa hội Quảng Nam được xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt 1 năm 2021

Tân Tỉnh Trung Lộc – Căn cứ Nghĩa hội Quảng Nam được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số :2256/QĐ-UBND ngày 09/8/2021.

Tân Tỉnh Trung Lộc – Căn cứ nghĩa hội Quảng Nam được xếp hạng di tích cấp tỉnh đợt 1 năm 2021

Căn cứ vào giá trị vốn có của di tích, căn cứ vào các quy định tại Luật Di sản văn hóa, Luật bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa, Tân Tỉnh Trung Lộc – Căn cứ Nghĩa hội Quảng Nam được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số :2256/QĐ-UBND ngày 09/8/2021.

Theo lịch sử xét về tổng thể, vị thế, tầm quan trọng của căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc đối với hoạt động của Nghĩa hội Quảng Nam thể hiện trên ba phương diện:

Một là, nơi đây đã được lịch sử xác định là trung tâm hành chính và quân sự cấp tỉnh. Khác với căn cứ An Lâm và căn cứ Sơn phòng Dương Yên (Trà My), Căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc không chỉ là một căn cứ kháng chiến đơn thuần mà có ý nghĩa là một tỉnh lỵ mới, một hậu cứ để làm nơi thiết lập một chính quyền của lực lượng khởi nghĩa. Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu đã tổ chức, xây dựng ở Trung Lộc một trung tâm hành chính và quân sự tại cánh đồng Khe Canh và thiết lập bộ máy điều hành gồm có nha, thự, ty ,niết, bãi luyện quân, ngục thất, kho tàng, văn miếu,...như một cơ quan nhà nước quản lý một vùng lãnh thổ. L.J. Baille – nguyên Khâm sứ Trung kỳ trong thời gian này (1886-1889) - đã nhận xét: Ông Nguyễn Duy Hiệu đã xây dựng “Tân Tỉnh”... gần như một quốc gia.

Hai là, Tân tỉnh Trung Lộc là căn cứ hậu cần quan trọng. Tổng Trung Lộc có đất đai màu mỡ, phì nhiêu và được dân gian gọi là Đồng Nai con (còn gọi là Tiểu Đồng Nai) sản xuất và tự túc được lương thực, thực phẩm với nguồn lúa, ngô, sắn, đậu khá dồi dào. Rừng núi có nhiều loại cây trồng (chuối, mít,...) và nhiều loại lâm thổ sản có thể bổ sung cho nguồn lương thực, thực phẩm khi cần thiết. Nghĩa hội còn có trại sản xuất lúa, trại chăn nuôi trâu bò. Rặng núi phía tây Trung Lộc lại có nhiều quặng sắt để làm nguồn nguyên liệu luyện sắt để rèn đúc vũ khí cho nghĩa quân. Thuế điền thổ được thu bằng thóc và nhập về kho quân lương. Nhân dân Trung Lộc vốn có truyền thống yêu nước và sẵn sàng ủng hộ nhân tài, vật lực cho nghĩa quân. Khu căn cứ Tân Tỉnh trở thành khu hậu cần quan trọng của Nghĩa hội Quảng Nam vì đã đảm bảo được những nguồn lực vật chất quan trọng để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của nghĩa quân.

Ba là, căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc là bàn đạp để xuất quân tấn công quân Pháp và quân Nhà Nguyễn ở vùng đồng bằng. Các căn cứ trước đó của Nghĩa hội như căn cứ An Lâm ở Phước Sơn (Tiên Phước), căn cứ Sơn phòng Dương Yên ở Trà My không có được ưu thế này. Tổng Trung Lộc nằm ở trung tâm của vùng tây Bắc Quảng Nam, thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thủy với vùng đồng bằng hơn hai căn cứ nói trên nên nghĩa quân thuận lợi trong việc di chuyển, cơ động lực lượng khi tấn công quân giặc ở vùng đồng bằng Quảng Nam hoặc xa hơn về phía bắc là đèo Hải Vân. Sau khi được xây dựng, Tân Tỉnh đã được Nghĩa hội Quảng Nam làm căn cứ bàn đạp để xuất quân tiến đánh và tạo nên các chiến thắng ở đèo Hải Vân, tập kích quân địch ở An Hải, Hà Thân (Đà Nẵng), tấn công thành La Qua, đánh thắng quân nhà Nguyễn và quân Pháp ở Phong Thử, Bãi Chài, Gò Muồng,...

Vị thế, tầm quan trọng của Khu căn cứ Tân Tỉnh không chỉ được nhìn nhận, đánh giá ở lĩnh vực nghiên cứu, lý luận mà còn được chứng minh trên thực tiễn: Hơn 60 năm sau, trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 -1954), vùng đất thuộc tổng Trung Lộc được chọn để xây dựng chiến khu Hoàng Văn Thụ trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo huyện, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn được đẩy mạnh trên nhiều phương diện. Việc xác lập, củng cố tư liệu, khẳng định giá trị, tổng hợp nhiều yếu tố cấu thành nên hồ sơ khoa học để đề nghị cấp trên xếp hạng đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu chuyên sâu, chuẩn bị lâu dài, mọi thông tin dữ liệu phải đảm bảo tính khoa học, lịch sử, pháp lý cùng với sự quyết tâm nổ lực của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan mới đi đến kết quả chung. Việc bảo tồn và phát huy giá trị với từng loại hình di tích đòi hỏi phải được  thực hiện thường xuyên, không chỉ xếp hạng xong rồi thôi, mà phải để nó “sống” mãi trong các thế hệ thông qua các hiện vật, các câu chuyện kể. Do đó, cần nghiên cứu và sưu tầm, bổ sung những thông tin, tư liệu liên quan, tiến hành sưu tầm tư liệu, hiện vật để làm cho di tích tăng thêm sự hấp dẫn trong quá trình phát huy giá trị sau này song hành với việc sau khi được công nhận địa phương phải khẩn trương cắm mốc và lập thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích theo quy định. Một xu hướng phát triển du lịch cần thiết hiện nay là gắn với việc phát huy giá trị của hệ thống các di tích, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Nông Sơn như: Hang Hố Lù - di tích gắn với các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Huyện ủy, quân và dân huyện Quế Sơn/Nông Sơn; Mộ cụ Nguyễn Đình Hiến; Dinh bà Thu Bồn (Lễ hội bà Thu Bồn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tháng 10//2020); với điểm du lịch làng Đại Bình, Hòn Kẽm - Đá Dừng, suối khoáng nóng… và các dự án giải trí được  đầu tư xây dựng khác sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch về với quê hương Nông Sơn trong thời gian đến. 

Nhìn chung, việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích Tân Tỉnh Trung Lộc – Căn cứ nghĩa hội Quảng Nam là một việc làm cấp thiết, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử địa phương vừa thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã xả thân vì nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vừa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời là cơ sở, tiền đề, bước đệm để UBND huyện Nông Sơn kính đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, lập Hồ sơ khoa học, tổ chức Hội thảo khoa học với quy mô quốc gia để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia vào năm 2025, nhân kỷ niệm 240 năm Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.

 

Tin liên quan