Sau khi chia tách thành đơn vị hành chính mới từ năm 2008, hạ tầng của huyện Nông Sơn rất thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao (hơn 66%)… nên khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đối mặt với bao thách thức. Thêm một khó khăn nữa là thiếu quỹ đất để đủ chuẩn xây dựng các công trình như đường giao thông nông thôn, chợ, sân vận động cùng các thiết chế văn hoá khác. Kinh tế chủ lực trên địa bàn chủ yếu là nông nghiệp, nên khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã không đạt được tiêu chí nào trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới, ngay cả hai xã Quế Lộc và Quế Trung chọn điểm xây dựng nông thôn mới thì chỉ có vài tiêu chí đạt từ 60 đến 70%.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng đất thượng nguồn sông Thu trong thời gian qua tuy đã được chính quyền địa phương tổ chức phát động rầm rộ, tuyên truyền mạnh mẽ tới từng hộ dân nhưng so với kế hoạch đề ra thì vẫn chậm. Nhân dân địa phương hoàn toàn đồng lòng ủng hộ chủ trương này nhưng vì là huyện nghèo, xã nghèo, rồi rất nhiều hộ gia đình cũng nằm trong diện nghèo nên đành... lực bất tòng tâm!
Trước những vấn đề nan giải đó, huyện Nông Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là vai trò của cấp uỷ và các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động để làm thế nào mọi người đều rõ chủ trương “Nông thôn mới phải bất đầu từ trong dân mà ra.”
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả bước đầu “cách làm mới” xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc khẳng định: "Huy động sức dân không chỉ là bắt dân góp tiền". Việc hiểu đúng "sức dân" để huy động đúng là yêu cầu bắt buộc của công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng nông thôn mới ở miền núi. Sức dân có thể hiểu là sức người và sức của. Huy động sức dân không chỉ là bắt người dân phải đóng tiền mặt mà có thể huy động bằng cách người dân tự nguyện hiến đất, cải tạo nhà cửa, công trình vệ sinh, bảo vệ môi trường, đóng góp ngày công... đảm bảo hài hòa quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hiểu như thế để huy động đúng, hạn chế đến mức thấp nhất việc thu tiền mặt của dân.
Bí thư Đảng bộ xã Sơn Viên, Đỗ Tiến Trọng cho biết, những chuyển biến của xã trong thời gian qua có được chính là Đảng bộ đã tích cực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trước đây, cũng giống như nhiều xã khác của huyện Nông Sơn, xã Sơn Viên luôn khó khăn khi thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Là một xã cơ bản thuần nông nên rất khó phát huy nội lực. Vì thế, trong những năm qua Đảng bộ xã quyết tâm nói đi đôi với làm và làm một cách có hiệu quả khi triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động đã làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây…Ai cũng thầm mến phục về nghĩa cử cao đẹp của ông Phan Cảnh Trị ở thôn Phước Bình Tây về việc ông hiến hơn 700 m² đất để địa phương xây dựng ngôi trường mẫu giáo khá bề thế, khang trang. Ngoài ra, gia đình ông Trị cùng bà con trong họ tộc đã đóng góp hàng trăm mét đất để làm 3 tuyến đường giao thông nông thôn của xã, làm nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch, kênh mương nội đồng… Kết quả “tự nguyện” của mỗi người dân nơi đây (tiêu biểu như ông Trị) là sự đồng thuận của người dân cùng với chính quyền địa phương nên đã từng bước tháo gỡ những khó khăn và cùng nhau xây dựng một cuộc sông tốt đẹp hơn. Cũng từ đó, nhiều gia đình trên địa bàn xã tự nguyện hiến đất làm nhà sinh họat cộng đồng, đường giao thông nông thôn…
Đồng thời, để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nông Sơn chỉ đạo các xã xây dựng đề án phải có lộ trình và giải pháp cụ thể, như trong năm 2011 yêu cầu 7/7 xã phải hoàn thành việc lập đề án và công tác quy hoạch, để năm 2012 thông qua quy hoạch và tổ chức thực hiện. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Xác định rõ mục tiêu trước mắt và phát triển lâu dài, giữa cải tạo và xây mới, gắn kết giữa các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đình Sử – Phó Trường phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết: Cùng với nguồn kinh phí tỉnh phân bổ, trong năm 2013 huyện Nông Sơn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gần 2,3 tỷ đồng, gồm đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2 xã điểm Quế Trung và Quế Lộc là 1,7 tỷ đồng (mỗi xã 850 triệu đồng), đầu tư phát triển sản xuất cho 7 xã trên địa bàn là 490 triệu đồng và 100 triệu đồng cho công tác quản lý, tập huấn và đào tạo. Qua 3 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã đầu tư tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Người dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, nên huyện cũng đã lưu ý các xã cần phát huy tối đa quy chế dân chủ ở cơ sở để từ đó huy động tốt nội lực và xây dựng các thiết chế văn hoá phải đảm bảo theo bộ tiêu chế nhưng cũng phù hợp với bản sắc của cộng đồng trong tình hình mới.
Về với Nông Sơn hôm nay, tuy chưa tạo được sức bật mạnh mẽ để hy vọng người dân thoát nghèo và có thể đổi đời trong một sớm một chiều, nhưng mọi người đều cảm nhận được diện mạo đời sống nông thôn miền núi đã đổi thay rất nhiều.