Em Võ Thị Thùy Liên, con thứ 2 trong gia đình nhà nông có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi. Trên tường nhà Liên treo kín giấy khen, trong đó nổi bật nhất là kết quả hai năm liền đạt giải nhất cuộc thi Vật lý cấp huyện, giải 3 môn Vật lý cấp tỉnh, 3 năm liền là học sinh giỏi của Trường chuyên Nguyễn Bình Khiêm… Với kết quả học tập như vậy, Liên xuất sắc đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Huế, ngành Vật lý với 22,5 điểm và ngành Hóa với 21,5 điểm. Tuy nhiên, điều đáng nể ở cô học trò nhỏ nhắn chính là sự vượt khó học giỏi mà không phải ai cũng làm được.
Học hết cấp 2, Liên xuất thi đỗ vào Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những ngày tháng xa gia đình đã sớm giúp em có tính tự lập. Hình ảnh của cha, mẹ vất vả luôn là động lực để Liên cố gắng học tập tốt. Em luôn ghi nhớ câu nói mà ba mẹ nhắc nhở: “Nếu không học hành tử tế, đời con rồi cũng như ba mẹ, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn cực”. Lời dặn dò ấy được Liên viết vào mỗi cuốn vở, như cách tự dặn mình phấn đấu học tập thật tốt để sau này có công việc ổn định, tạo thu nhập nuôi bản thân và giúp đỡ cho ba mẹ. “Từ lâu em đã rất đam mê môn Vật lý vì những điều thú vị, mới mẻ của nó. Vì vậy em sẽ chọn ngành này để theo đuổi đam mê, chịu khó nghiên cứu sau này được làm cô giáo dạy Lý thật giỏi” - Liên tâm sự.
Đối với những gia đình nông dân nghèo, niềm vui con cái đỗ đại học thường đi liền với những nỗi lo. Nguồn thu nhập của gia đình ông Anh chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Để chuẩn bị tiền cho Liên nhập học, thời gian này, ông Anh vào rừng nhiều hơn, ngoài chăm rẫy keo của gia đình còn kiếm thêm vài bó củi chở ra chợ bán kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy. “Phải cố gắng chắt chiu cho con theo đuổi ước mơ để sau này đỡ khổ, vợ chồng tôi cực mấy cũng được chỉ mong ông trời cho sức khỏe thôi…” - ông Anh bỏ lửng câu nói nhưng đôi mắt vẫn ánh lên hy vọng về cô con gái học giỏi.
